Bà Mai Kiều Liên – Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk)
Bà Mai Kiều Liên gia nhập Vinamilk ngay từ khi doanh nghiệp được thành lập năm 1976, khi vừa tốt nghiệp Đại học tại Nga. Trong 4 năm đầu tiên tham gia vào doanh nghiệp, bà là kỹ sư công nghệ phụ trách phân xưởng sữa đặc có đường tại Nhà máy Sữa Trường Thọ. Ba năm sau, bà lần lượt kinh qua những vị trí như kỹ sư công nghệ tại Phòng kỹ thuật, lãnh đạo Xí nghiệp liên hiệp Sữa – Café và Bánh kẹo I, Phó giám đốc kỹ thuật phụ trách sản xuất tại Nhà máy Sữa Thống Nhất.
Sau khi hoàn thành khóa đào tạo tại Đại học Kinh tế Leningrad (Nga) năm 1984, bà được bổ nhiệm vào chức Phó tổng giám đốc phụ trách kinh tế và đến tháng 12/1992, được đề bạt vị trí Tổng giám đốc Công ty Sữa Việt Nam.
Đến 14/11/2003, bà được bầu vào Hội đồng quản trị và giữ chức Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Vinamilk qua ba nhiệm kỳ liên tiếp 2003-2007, 2007-2011 và 2012-2016.
Tính đến hết năm 2016, Vinamilk có tổng tài sản gần 29.400 tỷ đồng, vốn hóa đạt gần 190.000 tỷ đồng - cao nhất thị trường chứng khoán hiện nay (vượt hơn 40.000 tỷ đồng so với doanh nghiệp đứng thứ hai là Sabeco).
Bà Dương Thị Mai Hoa – Tập đoàn Vingroup
Bà Dương Thị Mai Hoa được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Vingroup từ năm 2014 đến nay. Theo giới thiệu của tập đoàn, trước khi gia nhập Vingroup, bà đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và giữ vị trí lãnh đạo cao cấp tại nhiều tổ chức, tập đoàn đa quốc gia.
Bà từng đảm nhiệm những vị trí quan trọng khác như: Tổng giám đốc khối Ngân hàng Doanh nghiệp thuộc Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank), Tổng giám đốc Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB), Giám đốc tài chính Công ty Oracle Việt Nam thuộc Tập đoàn Oracle, Kế toán trưởng Ngân hàng Credit Lyonnais tại Việt Nam và Trưởng phòng Kế hoạch tài chính Công ty VMEP thuộc Tập đoàn Chinfon tại Việt Nam.
Kể từ năm 2014 đến nay, tổng tài sản của Vingroup đã tăng gần gấp đôi, lên gần 180.000 tỷ đồng, giữ vị thế là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản đứng đầu tại Việt Nam. Giá trị vốn hóa của công ty đứng vị trí 4 trên toàn thị trường chứng khoán, đạt hơn 118.000 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Hãng hàng không Vietjet
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo là người sáng lập Hãng hàng không tư nhân Vietjet (Vietjet Air) và được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch thường trực của công ty từ 2007. Bà cũng đảm nhiệm chức danh Tổng giám đốc.
Theo giới thiệu của Vietjet, bà Thảo tốt nghiệp Tiến sĩ Triết học trong Điều khiển kinh tế từ Viện Mendeleev, Cử nhân Tín dụng - Tài chính từ Viện Thương mại Moscow và Cử nhân quản lý kinh tế lao động từ trường Cao đẳng Kinh tế Quốc dân Moscow (Nga). Bà có nhiều kinh nghiệm trong kinh doanh tại Việt Nam và nước ngoài, trong các lĩnh vực như tài chính - ngân hàng, hàng không, bất động sản, tiêu dùng. Bà từng là thành viên Ban Giám đốc của một số ngân hàng thương mại tại Việt Nam trước khi gia nhập Ngân hàng Phát triển TP HCM (HDBank) với cương vị Phó chủ tịch HĐQT.
Bà Thảo hiện cũng là cổ đông lớn nhất của Vietjet với sở hữu của cá nhân hơn 28 triệu cổ phần, tương đương gần 10%. Công ty cổ phần Sovico do bà là Chủ tịch điều hành và Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny thuộc sở hữu của bà Thảo đang nắm lần lượt 14,7 triệu cổ phiếu (4,9%) và 69,7 triệu cổ phiếu (23,2%) Vietjet Air.
Mới niêm yết cuối tháng 2/2017, Vietjet nhanh chóng trở thành một trong những công ty có vốn hóa cao nhất thị trường chứng khoán. Tính tới ngày 7/3, vốn hóa của Vietjet đứng thứ 11 với 41.200 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh – Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE)
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh là kỹ sư ngành Điện lạnh thuộc Đại học Kỹ thuật Karl-Marx-Stadt của Đức. Bà gắn bó với Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) từ năm 1982. Sau 5 công tác ở vị trí Phó giám đốc, năm 1987, bà Thanh được bổ nhiệm giữ vị trí lãnh đạo cao nhất của Xí nghiệp Cơ điện lạnh, tiền thân của doanh nghiệp hiện tại. Kể từ năm 1993, bà Thanh được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiểm Tổng giám đốc công ty.
Dưới sự chèo lái của nữ lãnh đạo này, REE đã phát triển trở thành một doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực, gồm cơ điện lạnh, văn phòng cho thuê và đầu tư chiến lược hạ tầng điện nước. Năm 2016, tổng tài sản của REE đạt hơn 11.400 tỷ đồng với tổng doanh thu hơn 3.663 tỷ.
Là một trong 2 doanh nghiệp đầu tiên niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Việt Nam, giá trị vốn hóa của REE hiện ở mức hơn 8.000 tỷ đồng, đứng vị trí 42 thị trường.
Bà Cao Thị Ngọc Dung – Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ)
Bà Cao Thị Ngọc Dung tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế thương nghiệp của Đại học Kinh tế TP HCM, bắt đầu tham gia hoạt động của Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) từ năm 1988 với chức danh Giám đốc công ty. Kể từ năm 2004, sau khi PNJ hoạt động dưới mô hình công ty cổ phần, bà Dung tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị.
PNJ là một trong những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kim hoàn, kinh doanh trang sức lớn nhất hiện nay. Năm 2016, công ty đạt hơn 8.600 tỷ đồng doanh thu và gần 600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Tổng tài sản tính đến cuối năm đạt gần 3.600 tỷ đồng.
Giá trị vốn hóa thị trường của PNJ đạt hơn 7.500 tỷ đồng, xếp vị trí 44 trên thị trường chứng khoán.
Bà Trương Thị Lệ Khanh – Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn
Là người sáng lập Vĩnh Hoàn từ một xưởng đông lạnh nhỏ, bà Trương Thị Lệ Khanh liên tục 19 năm giữ vị trí Giám đốc và Tổng giám đốc, đồng thời là Chủ tịch Hội Đồng quản trị kể từ khi công ty chuyển đổi sang mô hình cổ phần từ năm 2007. Theo giới thiệu của công ty, bà Khanh là người bỏ nhiều thời gian và công sức vạch ra các chiến lược có tính chất quyết định để đưa Vĩnh Hoàn lên vị trí đầu ngành hôm nay.
Hoạt động chính trong lĩnh vực thủy sản, năm 2016, Vĩnh Hoàn đạt doanh thu 7.370 tỷ đồng với lợi nhuận sau thuế hơn 550 tỷ đồng. Tổng tài sản tính đến cuối năm của công ty đạt hơn 4.450 tỷ đồng. Vĩnh Hoàn là doanh nghiệp xếp thứ 69 tính về giá trị vốn hóa trên thị trường chứng khoán theo giá cổ phiếu tính đến cuối phiên giao dịch 7/3, đạt 4.870 tỷ đồng.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét