Pages

Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2017

Nồi cháo thịt bằm miễn phí của chị bán cà phê vui tính ở Sài Gòn

Sẽ chẳng tìm được ở nơi nào trên đất nước này, một thành phố mà đi đâu người ta cũng nhìn thấy những món đồ miễn phí được dành riêng cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Từ bánh mỳ, trà đá cho đến quần áo cũ... và giờ đây là những phần cháo miễn phí ấm tình người luôn sẵn sàng cho những ai đói lòng có được một bữa no.

"Mình thích thì mình làm thôi!"

Có dịp chạy ngang qua đường Lê Hồng Phong (quận 10, TP. HCM), chúng ta sẽ bắt gặp một tấm bảng có dòng chữ đỏ nổi bật với nội dung: "CHÁO THỊT BẰM MIỄN PHÍ".
Nồi cháo thịt bằm miễn phí ấm lòng người Sài Gòn.

Chị Hiền (tên thật là Nguyễn Hoàng Linh nhưng mọi người vẫn gọi chị với cái tên trìu mến là Hiền, nên trong bài này chúng tôi xin gọi chị là chị Hiền) là chủ nhân của bình trà đá và nồi cháo thịt bằm miễn phí ở đầu con hẻm 660, Lê Hồng Phong.

Chị tâm sự với chúng tôi về cơ duyên đưa chị đến với công việc đầy ý nghĩa này: "Khoảng 6 năm trước, một hôm chị đi chợ với bạn thì thấy người ta để một thùng trà đá ở trên vỉa hè, lúc đó chị mới thắc mắc là tại sao người ta lại để thùng trà ở ngoài đường. Bạn chị mới trả lời: 'Người ta làm từ thiện đó, ai khát nước thì tới uống'. Chị mới nói: 'Ngộ ghê hen'. Rồi chị về nhà mua một bình trà đá để ra đầu hẻm cho những ai cần khi khát nước".
Chị Hiền làm nghề bán cà phê ở con hẻm 660 đã 20 năm nay.

Rồi 6 tháng trước, trong một lần ba của chị Hiền nhập viện, chị phải vào chăm sóc ông. "Nhìn mọi người đi mua 1 phần cháo tận 10.000 đồng mà ăn không ngon, chị mới nghĩ: Ủa tui nấu ăn cũng ngon lắm chớ bộ, nấu cháo thịt bằm thì dễ ẹc mà. Vậy là sau đó chị quyết định mỗi ngày sẽ nấu một nồi cháo để tặng miễn phí cho những ai thật sự cần, nhất là những người lớn tuổi phải đi bán vé số" - chị hóm hỉnh kể.
Mỗi ngày chị chuẩn bị một nồi cháo để phát miễn phí cho mọi người.

Hàng ngày, chị Hiền cùng cô con gái 17 tuổi của mình tất bật chuẩn bị và nấu cháo từ 12h. Đến khoảng 2h trưa thì cháo chín, hai mẹ con lại chung tay đưa nồi cháo nóng hổi ra đầu hẻm cho mọi người kịp đến lấy.
Hai mẹ con tranh thủ vừa chạy ra ngoài hẻm bán, vừa chạy vào trong nhà nấu cháo.
Hai mẹ con cùng đem nồi cháo ra ngoài hẻm.

Nồi cháo được đặt trên một lò than đỏ lửa để luôn giữ được độ nóng. Cô con gái đi học, chị Hiền quay lại với công việc buôn bán của mình, nhưng chốc chốc có người đến chỗ nồi cháo, chị lại chạy ra để múc những phần cháo tặng mọi người.

Thấy chị quay như chong chóng, tôi chọc: "Đó, công việc thì quá chừng mà cứ thích lo chuyện bao đồng". Chị cười hì hì: "Mình thích thì mình làm thôi!".


Cho đi là không tính toán

Bà Hải (72 tuổi, bán vé số) tâm sự với chúng tôi khi ngồi đợi những phần cháo: "Có phần cháo này mấy ông già bán vé số chung với bà mừng lắm đó con. Có cái để tối ăn trước khi uống thuốc. Mà cháo ngon lắm đó nhen, không phải đồ cho mà dở đâu".
Bà Hải là một "khách hàng" thân thuộc của "tiệm cháo miễn phí" này.

Để mọi người không cảm thấy ngại trong việc nhận cháo, chị Hiền để sẵn ly nhựa và muỗng, để ai cần thì tự đến múc, lấy bao nhiêu tùy nhu cầu, chị không giới hạn. Chị chỉ múc giúp những người lớn tuổi, vì sợ họ bị bỏng.
Mọi người tự do lấy cháo theo nhu cầu của mình.
Với những người lớn tuổi, chị Hiền sẽ múc cháo giúp họ.

"Nhiều người tính mỗi ngày chi ra 100.000 đồng để nấu cháo, 1 tháng là tốn khoảng 3 triệu, nhưng chị không bao giờ ngồi tính toán chi ly những chuyện đó. Cho là không tính, bởi nó chẳng đáng là bao. Nhà chị chẳng khá giả gì, nhưng chị đủ khả năng để mỗi ngày nấu 1 nồi. Các em nhìn thấy chị tất bật với việc bán cà phê rồi nấu cháo, múc cháo tặng mọi người, nhưng thật ra đây là niềm vui mỗi ngày của chị. Nó giúp chị có một ngày ý nghĩa hơn" - chị tâm sự.
Thời gian rảnh rỗi chị dành để thêu tranh tặng cho nhà chùa.

Mến tấm lòng của chị Hiền, nhiều người đã chung tay đóng góp phụ chị để nấu cháo. Người có ít thì góp vài chục ngàn, người khá giả góp vài trăm. Cứ thế nồi cháo đã được duy trì hơn 6 tháng qua, giúp không ít người lao động có được một bữa no trên bước đường mưu sinh vội vã.
Phần cháo tuy nhỏ nhưng giúp không ít người cảm thấy hạnh phúc.

Thời gian này, thành phố đang thực hiện chiến dịch dọn dẹp vỉa hè, thế nhưng đáng mừng là những hoạt động miễn phí - đặc sản của Sài Gòn không bị cuốn vào cơn bão này. Chị Hiền vui vẻ kể: "Chị có chia sẻ ý nghĩa của công việc từ thiện này cho các anh trật tự đô thị, các anh cũng hiểu mình làm vì mọi người nên không bắt chị phải dẹp vào, chỉ nhắc đừng để sát đường đi quá thôi".

Tôi nhớ chị đã từng nói rằng nếu để ý khi đến bệnh viện khám thai, bác sĩ sẽ nói là phát hiện trong bụng có một tim thai, chứ chẳng bác sĩ nào nói là có một con người. Lúc nào cũng vậy, có trái tim rồi mới phát triển thành một con người. Và ai cũng vậy, đều có lòng trắc ẩn, chỉ là họ còn khó khăn hay khúc mắc gì đó nên chưa làm việc tốt, còn mình nếu có cơ hội làm điều gì đó tốt đẹp cho cuộc sống thì cứ làm.


Chị Hiền hài hước, thích nói đùa để mọi người vui và chẳng bao giờ tính toán so đo. Bất chợt tôi nhận ra Sài Gòn vẫn luôn mến thương như thế, chắc cũng bởi Sài Gòn có những người như chị Hiền.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét